Sự Khác Biệt Giữa Dismiss, Not Guilty, No Lo Contendre và Innocent.
2016-07-29 16:40
1. “Dismiss” là thuật ngữ thường dùng trong tố tụng tại tòa án có nghĩa là hủy bỏ hồ sơ hay bãi nại bởi những nguyên nhân:
- Vì không có đủ nhân chứng và tang chứng, hoặc vật chứng. Còn việc vô tội hay có tội là chuyện khác. Ví dụ như:
* Một người lái xe quá tốc độ, khi ra tòa, không có cảnh sát, tòa “dismiss” không có nghĩa là người ấy đã không chạy quá tốc độ.
* một người lái xe chạy đúng tốc độ, cảnh sát chận lại cho người ấy giấy phạt (ticket) chạy quá tốc độ vì cảnh sát coi lầm con số, hôm ra tòa, cảnh sát vắng mặt, tòa “dismiss” hồ sơ.
Kết luận: cả hai trường hợp này đều “dismiss” nhưng người lái xe có tội hay không thì chỉ bản thân họ biết.
2. Not guilty: là do phán quyết không có tội của tòa. Thí dụ, một người lái xe chạy đúng tốc độ, cảnh sát không ưa người lái xe nên ghi giấy phạt, khi ra tòa, cảnh sát dấu đầu hở đuôi làm cho tòa thấy cảnh sát có một cái gì đó không phải với người lái xe, tòa phán người lái xe “not guilty.”
3. Cũng là “không có tội ” nhưng innocent khác biệt với not guilty, nhưng là vô tội do bản chất, không phải do ngoại cảnh. Thí dụ, một người lái xe quá tốc độ, cảnh sát cho giấy phạt, hôm ra tòa, cảnh sát làm chứng, luật sư biện hộ hay, cảnh sát hôm ấy bị vợ càu nhàu mắng nhiếc làm cho mất tinh thần nên đâm ra ú ớ không trả lời cách trôi chảy những vặn hỏi của luật sư, tòa phán quyết người lái xe “not guilty” không có nghĩa là người ấy không có làm điều sai quấy. Trường hợp khác, một người lái xe đúng tốc độ, cảnh sát cho giấy phạt, lúc ra tòa, người ấy được tòa phán quyết “guilty” nhưng thật ra người ấy là “innocent.”
4. No lo contendre, theo thuật ngữ Tây Ban Nha có nghĩa là “I do not protest it” - “tôi không phản đối điều đó,” một hình thức nói với tòa tôi chấp nhận phán quyết của tòa. “Điều đó” ở đây có nghĩa tức là phán quyết của tòa. Thí dụ, một người lái xe đúng tốc độ, cảnh sát ghi giấy phạt, nhưng, để tránh mất thời giờ, người ấy chấp nhận đóng tiền phạt. Nếu ghi là “có tội” thì không được, mà ghi là “không bị kết tội” cũng không được vì “không bị kết tội” thì phải ra tòa. Người ấy điền vào chỗ No lo contendre để tòa xét sao cũng được.
5. Về vấn đề “có tội” (guilty) thì nhiều khi trước pháp luật con người, đó là tội, còn trước lương tâm hoặc trước Thượng Đế, lại không phải là tội. Thí dụ, người nhà đang đau nặng, người lái xe chạy quá tốc độ, bị cảnh sát và tòa tuyên phạt có tội, nhưng trước mặt Thượng Đế và lương tâm người ấy không có tội vì phải lo về đưa người thân vào nhà thương cấp cứu!
Đôi lúc tòa tuyên án người ta có tội, nhưng thật ra họ bị oan vì bị các thế lực kéo bè với nhau trù dập. Trong tiếng Anh, không có từ ngữ tương đương cho danh từ “oan,” chỉ có chữ “innocent” tức là “vô tội, trong trắng.” Nhiều cảnh sát hay ăn rơ với nhau, bắt nạt dân lành, làm chứng gian cho nhau để bênh vực lẫn nhau. Đó là lý do tại sao cần có thám tử tư (private investigator), có các cơ quan truyền thông độc lập (independent news media) để khui ra những chuyện mờ ám này. Khi người ta bị oan vì bị gài bẫy thì đó là “innocent because of set up or entrapment.” Khi người ta bị hàm oan do hiểu lầm, thì đó là “innocent because of misunderstanding.”