Khiếu nại bản án hình sự

2016-07-11 18:15

Khi một người bị kết án, nếu người ấy không đồng ý, trong thời gian do tòa quy định, thường là 30 ngày (cũng tùy tòa án, phải coi kỹ quy định của từng tòa), người ấy phải thông báo cho tòa biết có định kháng cáo (notice of appeal) và sau đó xin làm đơn kháng án (motion to appeal). Thông thường tòa án chấp thuận ngay. Khi đó, thân chủ được gọi là người kháng án (appellant) và tiểu bang được gọi là người bị kháng án (appellee). Nếu người ấy bị án tù, trong những trường hợp không quá trầm trọng, người ấy có thể xin tòa ra giá tiền thế chân để được tại ngoại cho đến khi nào Tòa Phúc Thẩm có quyết định. Trong những trường hợp giết người, cướp của, hãm hiếp, v.v., rất khó được tòa chấp thuận cho tiền thế chân vì đa số những người này bỏ trốn luôn. Nếu sau này Tòa Phúc Phẩm lật ngược lại quyết định, người ấy được tự do, thì sau khoảng 2 tháng, tiền thế chân sẽ được hoàn trả lại. Nếu Tòa Phúc Thẩm y án, người ấy phải tự nộp mình, còn nếu không tự nộp mình, sẽ bị tòa tịch thu số tiền thế chân và ra trát truy nã.

Khi đã thông báo đến tòa ý định kháng cáo, người ấy có thể thuê luật sư đã đại diện cho mình tại Tòa sơ Thẩm (Trial Court) hay có thể thuê một luật sư khác đại diện tại Tòa Phúc Thẩm (Court of Appeals). Đa số người ta thường thuê một luật sư khác đại diện ở Tòa Phúc Thẩm vì có nhiều luật sư không hành nghề tại Tòa Phúc Thẩm, và đặc biệt, họ muốn có một luật sư khác xem xét hồ sơ lại để thẩm định luật sư đại diện ở Tòa Sơ Thẩm có bất cẩn (legal malpractice) hoặc đã không chu toàn bổn phận trong lúc hành nghề làm cho người này không đủ khả năng (incompetent) của một luật sư theo quy định của tiểu bang. Thí dụ, trong lúc phiên tòa diễn ra, luật sư ngủ gục, vậy, luật sư có bất cẩn trong lúc hành nghề không? Thưa, luật sư không bất cẩn, nhưng việc ngủ gục của luật sư làm cho luật sư không đủ khả năng (incompetent) của một luật sư, nên, tòa có thể cho một phiên tòa mới (new trial). Trường hợp khác, luật sư tìm ra được một nhân chứng quan trọng, luật sư quên không gọi nhân chứng đó ra tòa, vậy luật sư có bất cẩn không? Thưa, trường hợp này luật sư có bất cẩn.

Có người thắc mắc rằng trong lúc kháng án, có được thưa kiện luật sư đại diện ở Tòa Sơ Thẩm hành nghề bất cẩn hay không? Theo án lệnh Peeler của Texas, không được tố luật sư đại diện vụ án hình sự ở Tòa Sơ Thẩm cho đến khi nào thắng được ở Tòa Phúc Thẩm, nghĩa là, khi nào biết được kết quả thuận lợi ở Tòa Phúc Thẩm thì mới được tố lại luật sư đã đại diện ở Tòa Sơ Thẩm. Nếu không thắng ở Tòa Phúc Thẩm thì đương nhiên không được tố luật sư đã đại diện ở Tòa Sơ Thẩm.

Người khác lại thắc mắc đó là có được tố lại công tố viện hoặc các nhân chứng khi mình bị oan hay không? Thưa, luật pháp hiện nay không cho phép người ta tố lại công tố viện hay bất cứ một nhân chứng nào vì họ phải thi hành phận vụ của họ, nhưng luật pháp cho phép họ tố tiểu bang. Trong những trường hợp khám phá ra người ta bị ở tù oan trái (wrongful imprisonment), thì sự bồi thường (compensation) của Texas như sau:

1/ Thống Đốc ra ân xá hoàn toàn cho người đó và họ không phải ở tù nữa;

2/ Trong vòng 3 năm sau khi được ra khỏi tù, người ấy thuê luật sư kiện để đền bù dân sự, mỗi một năm tù được bồi thường tối đa là 25 ngàn Mỹ Kim, và mức tối đa được đền bù là 500 ngàn Mỹ Kim. Như vụ án xảy ra cách đây 30 năm, một người bị tòa kết án oan trái là đã phạm tội hiếp dâm và giết người, án tù 99 năm. Bây giờ, khoa học tân tiến, thử nghiệm lại DNA thì cho biết tinh trùng trong tử thi của cô gái bị chết không trùng hợp với tinh trùng của người bị kết án. Với sự khám phá mới này, sự oan trái đã được phơi bày, ông ấy được rời khỏi trại giam, nhưng, ông ấy đã trải qua 30 năm trời tuổi xuân xanh trong tù, quá sức là thiệt hại. Ông ấy chỉ được tiểu bang Texas bồi thường tối đa là 500 ngàn Mỹ Kim mà thôi, số tiền này gồm cả cả án phí và tiền thuê luật sư, cho 30 năm tù oan trái đó. Trong trường hợp ông ấy ở 20 năm tù, ông ấy cũng được bồi hoàn 500 ngàn Mỹ Kim. Trường hợp ông ấy ở 10 năm tù, thì, tiền bồi thường tối đa cho mỗi năm là 25 ngàn Mỹ Kim, kết quả, ông ấy được bồi thường tối đa là 250 ngàn Mỹ Kim. Nếu sau 3 năm đã ra khỏi tù, không thuê luật sư tố lại tiểu bang, thì, thời hạn đã hết, không được quyền tố lại tiểu bang.

Trong thời gian kháng án hoặc trong lúc ở tù, nếu luật sư đại diện khám phá ra thư ký của tòa bất cẩn đánh máy lộn một số chi tiết thì phải làm sao? Thí dụ, án phạt do bồi thẩm đoàn tuyên bố chỉ có 5 tháng, thư ký tòa nhầm lẫn, đánh máy là 5 năm!! Luật sư phải làm đơn Nunc Pro Tunc (Now For Then) order để sửa lại sự sai sót này. Nếu không có đơn sửa sai này, thân chủ phải ở tù oan trái thêm 4 năm 7 tháng, và, các nhân viên trại giam sẽ không can thiệp hoặc sẽ không thả người nếu không có lệnh sửa sai đó của tòa.

Việc đầu tiên luật sư đại diện để kháng án phải làm là đặt mua bản dịch báo cáo của tòa (Court reporter’s transcript). Tòa án nào cũng có một người làm báo cáo (court reporter). Người này không phải là thư ký (secretary) hay là người điều hợp (co-ordinator) của tòa. Người này có nhiệm vụ đánh tốc ký tất cả những âm thanh xảy ra tại tòa, từ tiếng ho, tiếng cười, giọng nói, v.v. để làm báo cáo tất cả những diễn tiến tại tòa. Vì đánh tốc ký, nên chỉ có người ấy hoặc những ai ở trong nghề mới hiểu được những ký hiệu đó. Tòa Phúc Thẩm cũng như luật sư bào chữa cần phải có bản dịch (transcript) này nên phải trả tiền cho Court reporter làm việc đó. Lệ phí cho công việc này tùy theo phiên tòa dài hay ngắn, vì họ tính tiền trên mỗi chữ. Tại tòa án, mỗi một trang giấy copy là 1 Mỹ Kim. Do đó, nhiều khi tiền trả cho bản dịch này lên tới từ 1 ngàn cho đến chục ngàn Mỹ Kim.

Sau khi có được bản dịch của Tòa Sơ Thẩm rồi, luật sư đại diện phải làm một bản đúc kết (brief) trình bày các sự kiện đã xảy ra tại Tòa Sơ Thẩm để gởi lên Tòa Phúc Thẩm.

Nên nhớ, khi kháng án, không có kháng án trên các sự kiện, mà chỉ kháng án trên các vấn đề luật pháp, nên trong bản đúc kết này, luật sư trình bày cho Tòa Phúc Thẩm thấy những quyết định sai lầm về luật pháp của chánh án ở Tòa Sơ Thẩm để đưa đến kết luận những phán quyết này làm cho bồi thẩm đoàn ra một bản án sai lệch. Bản đúc kết này phải được viết theo mô thức do Tòa Phúc Thẩm quy định và hình dáng của bản đúc kết này cũng rất quan trọng để gây cảm tình với các thẩm phán tại Tòa Phúc Thẩm dành thời giờ đọc hết bản đúc kết này. Bản đúc kết này phải gởi cho từng vị thẩm phán trong Tòa Phúc Thẩm (mỗi vụ tối thiểu là 3 vị thẩm phán), 1 bản lưu hồ sơ tại tòa này, 1 bản gởi cho Viện công tố, một bản lưu trong hồ sơ của luật sư. Viện Công tố cũng làm một bản đúc kết để trả lời lại bản đúc kết của luật sư kháng án.

Trong hàng trăm hồ sơ kháng án, khoảng 5% hồ sơ được Tòa Phúc Thẩm chấp thuận có một buổi tranh luận (oral debate) trước sự hiện diện đầy đủ của các thẩm phán (a full bench). Nếu không có sự tranh luận, Tòa Phúc Thẩm gởi giấy về văn phòng luật sư và công tố viện biết quyết định của tòa. Nếu có tranh luận, trong ngày tranh luận, thân chủ không cần hiện diện (rất khác với Tòa Sơ Thẩm). Luật sư biện hộ có khoảng chừng 30 phút trình bày. Trước khi trình bày, luật sư phải thưa rõ với Tòa Phúc Thẩm đó là luật sư muốn sử dụng 30 phút của mình như thế nào, nếu muốn trình bày hết một mạch 30 phút cũng được, hoặc, lúc đầu chỉ trình bày 20 phút, còn dành lại 10 phút để trả lời lại sự tấn công của công tố viện. Sau khi luật sư bào chữa trình bày, công tố viện tấn công lại sự trình bày của luật sư biện hộ hoặc sẽ trình bày lại quan điểm của công tố viện. Sau khi công tố viện trình bày, nếu luật sư biện hộ ngay từ đầu đã nói rõ dành lại 10 phút để phản bác, thì luật sư biện hộ sẽ dùng thời gian này để làm công việc đó. Nếu bên công tố viện cũng dành 10 phút để phản bác, thì sau lời phản bác của luật sư biện hộ, công tố viện sẽ phản bác lại. Vì thời gian rất eo hẹp, nên cả hai bên đều phải tập trung vào những điểm chính, không thể đi lang bang ra ngoài được. Nhiều khi hồ sơ dày cả hàng chục ngàn trang, vậy mà chỉ được trình bày trong vòng nửa tiếng, thì đủ thấy sự gay cấn và khó khăn của nó, đòi hỏi sự thông minh, nhạy bén, tinh tế của luật sư trước Tòa Phúc Thẩm, nên nhiều luật sư, dầu rất giỏi tại Tòa Sơ Thẩm, lại không chịu hành nghề tại Tòa Phúc Thẩm là vậy.

Sau buổi tranh luận, các thẩm phán của Tòa Phúc Thẩm sẽ về hội ý với nhau và biểu quyết. Nếu vụ án không có gì gây can, khoảng sau 6 tháng Tòa Phúc Thẩm sẽ gởi giấy đến văn phòng luật sư và bên công tố viện công bố quyết định của họ. Có những trường hợp quan trọng, Tòa Phúc Thẩm viết xuống phán quyết của họ, trở thành án lệ, in trên các tờ báo luật, in trong các sách luật để cho mọi người, nhất là những người có liên hệ về ngành luật, tham khảo.

Sau khi Tòa Phúc Thẩm đã có phán quyết, công tố viện hay luật sư bào chữa không đồng ý, có thể kháng án lên Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang. Thủ tục kháng án cũng na ná như những gì đã xảy ra ở Tòa Sơ Thẩm. Song le, ở trên Tối Cao Pháp Viện, những hiểu biết về luật và sự nhạy bén đòi hỏi ở một trình độ rất cao, chỉ có một số luật sư hành nghề ở cấp bộ này. Đương nhiên án phí và lệ phí của luật sư cũng tốn kém hơn nhiều. Hàng ngàn vụ đệ trình lên Tối Cao Pháp Viện, may ra chỉ được vài ba vụ là được Tối Cao Pháp Viện cứu xét, đa số đều bị trả về với giòng chữ phê là “y án.”

Khi đã có phán quyết của Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang rồi, nếu luật sư biện hộ hoặc công tố viện không đồng ý, có thể kháng án lên tới Tối Cao Pháp Viện Liên Bang ở Washington D.C. Nhưng, khi kháng án lên tới Tối Cao Pháp Viện Liên Bang, những vấn đề pháp lý phải có liên quan đến Hiến Pháp của Hoa Kỳ hoặc những luật của Liên Bang. Hàng ngàn vụ kháng án đệ trình lên Tối Cao Pháp Viện Liên Bang, đa số bị trả về với lời phê “y án” và may ra 1 hay 2 vụ được cứu xét mà thôi. Thủ tục kháng án kéo dài nhiều năm trời, tốn rất nhiều tiền, nên đa số không ai đủ sức đi hết đoạn đường này, chỉ trừ những trường hợp bị quá oan ức và họ có tài chánh thì họ mới đi nốt đoạn đường chông gai đó.

Trở lại

Liên hệ

Luật sư David C. Vương
11205 Bellaire, Suite B-25
Houston, TX77072
(Mon-Fri: 10:00am-6:00pm
Sat & Sun: 2:00pm-5:00pm)

Tel: (832) 328 4778
Fax: (832) 351 3821

© Copyright by David Vuong 2015

Make a website for freeWebnode