Bài 2: Có nên để con cái đi làm thêm đóng tiền học?
2017-05-26 15:57
Hơn ai hết, chính bản thân chúng ta cần phải có một nhận thức đúng đắn về sự nghiệp làm cha mẹ này. Chín tháng mười ngày “lao động” vất vả, cưu mang mới tạo nên những “thiên thần” bé bỏng rồi hàng chục năm giáo dục dưỡng nuôi, mong con khôn lớn từng ngày để trở thành người có giá trị trên thị trường, thị trường ở đây hiểu là xã hội – nơi sử dụng sản phẩm này. Sản phẩm tốt thì xã hội được nhờ, sản phẩm mà tệ thì xã hội lãnh đủ. Vì vậy, , sự thành bại trong quá trình nuôi dạy con là do cha mẹ. Các hành vi, lời nói đúng đắn hay hành động sai trái của con cũng xuất phát từ cha mẹ. Mọi thay đổi trong cuộc sống xung quanh con trẻ đều có thể hàm chứa ý nghĩa giáo dục, Và để làm được những điều tốt đẹp cho con cái, trước hết hãy dành sự quan tâm đủ cho con.
Đây là điều biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng biết mà không làm thì xem như không biết. Tôi gọi đó là tình trạng “vật chất hóa tình cảm” mà ngày nay nhiều phụ huynh sử dụng. Con muốn cái gì là có cái đó: muốn xe xịn thì đây xe xịn, muốn ti vi là có ti vi, đến cái iphone cũng chẳng tiếc huống hồ chi chỉ là một cái ipad nhỏ nhoi,… Có cha mẹ cẩn thận hơn, vì thương con, muốn tập cho con cái hiểu được như thế nào là giá trị của đồng tiền bằng cách cho con cái tiền mua xe và con của họ phải tự đi làm kiếm tiền chi trả tiền bảo hiểm, chi trả tiền rửa xe, chi trả xăng cộ đi lại. Và khi đó, con cái của họ bắt buộc phải nghĩ đến, thậm chí phải đi làm thêm để trang trải chi phí. Đến đây, tôi chợt nhớ đến câu chuyện của một khách hàng: Có người con trai vừa đi học, vừa đi làm ở McDonalds. Tại đây, anh ta gặp người bạn gái đang làm ở McDonalds và cũng đang đi học. Sau thời gian quen nhau, cả hai quyết định kết hôn, sau đó sinh ra một người con và đặt tên cho nó là Happy Meal - tên của một món ăn nổi tiếng có sẵn đồ chơi trẻ em của McDonalds. Thường những gia đình ở Mỹ thường tập cho con cái thói quen biết được giá trị của đồng tiền thông qua việc đi làm thêm, bán sức lao động với giá rẻ mạt khoảng $5 đến 7$ một giờ tại các hãng, xưởng, cửa hàng thương mại. Làm việc trong môi trường rất là khổ cực như thế, con em chúng ta chỉ có thể làm quen, chỉ có kết bạn được với những người làm cùng chung sở để rồi Happy Meal chính là kết quả của một mối tình đơn sơ, một mối tình thiếu chính chắn, một mối tình xuất phát từ những suy nghĩ giản đơn và ngây thơ của con trẻ.
Cha mẹ khuyến khích con cái đi làm thêm chỉ với mục đích kiếm tiền mua bảo hiểm xe cho chúng sao? Với mức phí bảo hiểm 6 tháng dành cho trẻ có độ tuổi từ 17 đến 18 tuổi là $1,200 mỗi xe thì mỗi năm chúng ta sẽ phải trả là $2,400 đồng. Như thế, tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xe cho con em chúng ta suốt 3 năm học phổ thông là $7,200 đồng. Với số tiền này, bậc làm cha mẹ như chúng ta phải làm hết mấy tháng và với khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, liệu có đáng để chúng ta phải bận tâm khuyến khích con mình đi làm thêm để rồi chúng phải hy sinh thời gian đi học, bỏ hết cơ hội chuyên tâm học hành, dành học bổng vào đại học, bỏ qua những cơ hội có thể phấn đấu cùng bạn bè, thậm chí chúng còn bỏ qua những cơ hội học hỏi từ những người thành công để trở thành người có giá trị trên thị trường. Bên cạnh đó, còn không ít mối nguy hiểm đe dọa đến cuộc sống, tương lai của con em mình như vì cả nể bạn bè, bị bạn bè khích tướng mà vô tình hút phải cần sa, ma túy, á phiện hay trở nên nghiện rượu, chỉ vì uống chút rượu trong giờ làm rồi lái xe bị cảnh sát bắt vì tội say rượu lái xe. Vừa rồi tôi có gặp một khách hàng cũng đang độ tuổi đến trường, đi làm thêm rồi cuối tuần đi chợ cùng bạn bè, vì phút bốc đồng mà trở thành kẻ cắp. Lý do ăn cắp của em rất đơn giản là: "Bạn rủ trộm thì làm chứ không cần tiền. Bọn con đi trộm để giải quyết thời gian rảnh không biết làm gì...". Chính vì thương con, lúc nào cũng mong muốn cho con mình đầy đủ về vật chất mà nhiều cha mẹ chỉ mải mê kiếm tiền với ước mong tạo dựng một cuộc sống sung túc mà không có thời gian quan tâm đến việc học hành, không có thời gian quan tâm đến đời sống, không có thời gian quan tâm đến những suy nghĩ, quan tâm đến những ước muốn của con trẻ để rồi đến khi con cái hư hỏng, bất hiếu, gia đình tan nát họ mới nhận ra rằng bạc tỉ đôi khi cũng trở nên vô nghĩa.