Bụi chuối sau hè
2017-05-26 16:33
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Thật vậy, không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái và con cái chính là tài sản quý giá nhất đời mà cha mẹ có được. Làm cha mẹ là hành trình suốt cuộc đời, hành trình ấy chất chứa nhiều điều thú vị, hạnh phúc song cũng không ít gian truân, thậm chí còn nhiều khó khăn, thử thách.
Thế nhưng, phần lớn chúng ta lại chưa từng được “học để làm cha mẹ”, chưa từng được biết cách làm thế nào để vững vàng trong quá trình nuôi dạy con cái, chưa từng biết đến những phương pháp giáo dục con thật sự hiệu quả… Vì vậy không ít lần, chúng ta đã cư xử với con cái theo những cách khiến chúng ta cảm thấy có lỗi vì đã vô tình tổn thương con trẻ như: trách mắng, thiếu lắng nghe,... thậm chí còn xem nhẹ hơn so với công việc đi làm kiếm tiền hàng ngày. Có thể do đây là công việc làm cha, làm mẹ quá đặc biệt: không lương, không người thuê, không thăng tiến, không công ty, không đóng thuế,… không chỉ hao tốn nhiều công sức, tiền bạc, của cải mà chúng ta còn phải hết lòng lo lắng, hy sinh cho con mình. Ngược lại, con trẻ cũng thường xuyên tiếp thu bài học qua chính cách mà chúng ta thường cư xử hàng ngày. Chỉ cần một thay đổi nhỏ nhoi thôi, cũng ảnh hưởng đến thói quen tốt hay xấu ở trẻ. Thật sự là vậy, khi con hỗn hào, cha mẹ cần xem lại cách mình nói chuyện. Khi con nói dối, cha mẹ hãy tự vấn lương tâm. Khi con không còn muốn tâm sự, chia sẻ với mình, cha mẹ hãy xét cách ta lắng nghe và tôn trọng chúng như thế nào? Hầu hết mọi sự thay đổi, biến chuyển của con đều tiếp thu từ chính cách cha mẹ chúng cư xử hàng ngày. Ví dụ thói quen đi làm xong phải uống vài ly bia với bạn bè trước khi về nhà hay bảo con nói với khách “ba mẹ không có ở nhà” trong khi chúng ta lại đang ngồi xem ti vi;… Tất cả vô tình mang lại thông điệp tác động đến con trẻ sau này, gây một sự hoang mang giữa điều cha mẹ nói và cái cha mẹ thật sự làm.
Hơn ai hết, chính bản thân chúng ta cần phải có một nhận thức đúng đắn về sự nghiệp làm cha mẹ này. Chín tháng mười ngày “lao động” vất vả, cưu mang mới tạo nên những “thiên thần” bé bỏng rồi hàng chục năm giáo dục dưỡng nuôi, mong con khôn lớn từng ngày để trở thành người có giá trị trên thị trường, thị trường ở đây hiểu là xã hội – nơi sử dụng sản phẩm này. Sản phẩm tốt thì xã hội được nhờ, sản phẩm mà tệ thì xã hội lãnh đủ. Vì vậy, , sự thành bại trong quá trình nuôi dạy con là do cha mẹ. Các hành vi, lời nói đúng đắn hay hành động sai trái của con cũng xuất phát từ cha mẹ. Mọi thay đổi trong cuộc sống xung quanh con trẻ đều có thể hàm chứa ý nghĩa giáo dục, Và để làm được những điều tốt đẹp cho con cái, trước hết hãy dành sự quan tâm đủ cho con.
Đây là điều biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng biết mà không làm thì xem như không biết. Tôi gọi đó là tình trạng “vật chất hóa tình cảm” mà ngày nay nhiều phụ huynh sử dụng. Con muốn cái gì là có cái đó: muốn xe xịn thì đây xe xịn, muốn ti vi là có ti vi, đến cái iphone cũng chẳng tiếc huống hồ chi chỉ là một cái ipad nhỏ nhoi,… Có cha mẹ cẩn thận hơn, vì thương con, muốn tập cho con cái hiểu được như thế nào là giá trị của đồng tiền bằng cách cho con cái tiền mua xe và con của họ phải tự đi làm kiếm tiền chi trả tiền bảo hiểm, chi trả tiền rửa xe, chi trả xăng cộ đi lại. Và khi đó, con cái của họ bắt buộc phải nghĩ đến, thậm chí phải đi làm thêm để trang trải chi phí. Đến đây, tôi chợt nhớ đến câu chuyện của một khách hàng: Có người con trai vừa đi học, vừa đi làm ở McDonalds. Tại đây, anh ta gặp người bạn gái đang làm ở McDonalds và cũng đang đi học. Sau thời gian quen nhau, cả hai quyết định kết hôn, sau đó sinh ra một người con và đặt tên cho nó là Happy Meal - tên của một món ăn nổi tiếng có sẵn đồ chơi trẻ em của McDonalds. Thường những gia đình ở Mỹ thường tập cho con cái thói quen biết được giá trị của đồng tiền thông qua việc đi làm thêm, bán sức lao động với giá rẻ mạt khoảng $5 đến 7$ một giờ tại các hãng, xưởng, cửa hàng thương mại. Làm việc trong môi trường rất là khổ cực như thế, con em chúng ta chỉ có thể làm quen, chỉ có kết bạn được với những người làm cùng chung sở để rồi Happy Meal chính là kết quả của một mối tình đơn sơ, một mối tình thiếu chính chắn, một mối tình xuất phát từ những suy nghĩ giản đơn và ngây thơ của con trẻ.
Cha mẹ khuyến khích con cái đi làm thêm chỉ với mục đích kiếm tiền mua bảo hiểm xe cho chúng sao? Với mức phí bảo hiểm 6 tháng dành cho trẻ có độ tuổi từ 17 đến 18 tuổi là $1,200 mỗi xe thì mỗi năm chúng ta sẽ phải trả là $2,400 đồng. Như thế, tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xe cho con em chúng ta suốt 3 năm học phổ thông là $7,200 đồng. Với số tiền này, bậc làm cha mẹ như chúng ta phải làm hết mấy tháng và với khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, liệu có đáng để chúng ta phải bận tâm khuyến khích con mình đi làm thêm để rồi chúng phải hy sinh thời gian đi học, bỏ hết cơ hội chuyên tâm học hành, dành học bổng vào đại học, bỏ qua những cơ hội có thể phấn đấu cùng bạn bè, thậm chí chúng còn bỏ qua những cơ hội học hỏi từ những người thành công để trở thành người có giá trị trên thị trường. Bên cạnh đó, còn không ít mối nguy hiểm đe dọa đến cuộc sống, tương lai của con em mình như vì cả nể bạn bè, bị bạn bè khích tướng mà vô tình hút phải cần sa, ma túy, á phiện hay trở nên nghiện rượu, chỉ vì uống chút rượu trong giờ làm rồi lái xe bị cảnh sát bắt vì tội say rượu lái xe. Vừa rồi tôi có gặp một khách hàng cũng đang độ tuổi đến trường, đi làm thêm rồi cuối tuần đi chợ cùng bạn bè, vì phút bốc đồng mà trở thành kẻ cắp. Lý do ăn cắp của em rất đơn giản là: "Bạn rủ trộm thì làm chứ không cần tiền. Bọn con đi trộm để giải quyết thời gian rảnh không biết làm gì...". Chính vì thương con, lúc nào cũng mong muốn cho con mình đầy đủ về vật chất mà nhiều cha mẹ chỉ mải mê kiếm tiền với ước mong tạo dựng một cuộc sống sung túc mà không có thời gian quan tâm đến việc học hành, không có thời gian quan tâm đến đời sống, không có thời gian quan tâm đến những suy nghĩ, quan tâm đến những ước muốn của con trẻ để rồi đến khi con cái hư hỏng, bất hiếu, gia đình tan nát họ mới nhận ra rằng bạc tỉ đôi khi cũng trở nên vô nghĩa.
Hư hỏng cũng nhiều, nản chí cũng nhiều, an phận lẽ thường, có đôi lúc đi làm dù không bị ảnh hưởng bởi bạn xấu nhưng con em chúng ta vì mải mê kiếm tiền mà lại trở nên bằng lòng với công việc hiện tại đó mà bỏ qua việc học hành, bỏ qua cơ hội học hỏi những kiến thức, học hỏi những kỹ năng làm việc từ giảng đường đại học, thậm chí có sinh viên còn không thể tốt nghiệp ra trường bởi sự chủ quan của cha mẹ vì chúng ta thường nghĩ rằng con cái mình vô đại học là giỏi rồi, mặc nhiên chúng có thể lãnh bằng tốt nghiệp ra trường nên cứ để cho chúng tự do, muốn làm gì thì làm. Chứ họ đâu biết rằng cứ 100 người học đại học thì chỉ có 12 người được lãnh bằng ra trường (theo thống kê mới nhất của trường Texas Southern University-TSU- năm 2015, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường là 12%; các trường khác có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn). Và đối với các sinh viên ngành luật, con số đó còn thấp hơn nhiều. Sau 7 năm học hành chăm chỉ và được lãnh bằng tốt nghiệp ra trường, họ buộc phải tham gia kỳ thi lấy bằng luật sư được tổ chức vào tháng 3 và tháng 7 hàng năm ở tiểu bang Texas. Sau 5 lần thi mà vẫn không đủ 675/1,000 điểm thì sinh viên đó buộc phải đến bang khác để học và thi lấy bằng luật sư và làm việc tại đó. Trước đây, vừa đi học vừa đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống sau nhiều lần ra khỏi nhà sống xa gia đình, tôi cũng đã trải qua 5 lần thi lấy bằng luật sư và may mắn đạt được 675 điểm ở lần thi cuối cùng. Khác với những luật sư khác, tôi chính thức đậu Luật sư sau 14 năm học tập, nghiên cứu pháp luật và không nản chí, quyết tâm phấn đấu, kiên trì, nhẫn nại để trở thành người có giá trị trên thị trường. Được xã hội, cộng đồng nhìn nhận với vai trò là một luật sư chuyên ngành luật hình sự, tai nạn xe cộ nhằm bảo vệ quyền lợi cho quý vị đồng hương.
Thế còn việc khuyến khích để con cái chúng ta đi làm cho có kinh nghiệm thì sao? Chỉ cần hai ngày ngắn ngủi thôi, những chỗ làm đó có thể huấn luyện hàng trăm người mới để thay thế nhân viên cũ và những người mới này có thể thực hiện tốt công việc như: bưng bê, phục vụ khách hàng, cách chế biến món khoai tây chiên đầy hấp dẫn, họ làm rất chăm chỉ, siêng năng và làm rất tốt, thậm chí còn tốt hơn cả những người lớn tuổi đã làm việc từ ở đó 10 đến 15 năm. Nhắc đến đối tượng người làm công lớn tuổi này, tôi thật đau xót mỗi lần bước vào các quán ăn hay đi chợ mua sắm cho gia đình, hình ảnh những người nhân viên đáng tuổi cha mẹ mình đang đứng ngay cửa ra vào của chợ và họ phải cuối đầu xuống để chào khách hàng. Ở cái tuổi của họ lý ra phải được nghỉ ngơi ở nhà, tuổi của họ phải được về hưu, tuổi phải được con cái phụng dưỡng hay ở nhà chơi với cháu thì ở đây tại sao họ lại phải cam chịu và chấp nhận làm những công việc hạ mình đến thế? Họ chưa bao giờ được đi học sao? Và họ không có ý chí phấn đấu trở thành người có giá trị trên thị trường sao? Lúc còn trẻ, ngoài những người phải cầm súng ra chiến trường chẳng tiếc “đời xanh” thì còn có lý do họ không đủ thông minh để đi học, họ không ý thức được rằng phải quyết tâm đến trường để học hỏi, để có kiến thức, để sớm trở thành người có giá trị trên thị trường sao? Bởi vì, cũng như chúng ta, trong thâm tâm họ luôn ý thức được điều đó nhưng điều không họ không ngờ tới rằng chính sự lựa chọn ngây ngô ngày nào – sự lựa chọn đi làm thêm kiếm tiền đóng bảo hiểm dưới tác động của gia đình, của cha mẹ, của người thân từ hơn ba chục năm trước đã dẫn họ cho đến cảnh đời cơ cực hôm nay: một tấm thân già nua, một tấm thân ốm yếu, một tấm thân tiều tụy vì phải cam chịu những lời nói ganh tỵ, oán ghét của của đồng nghiệp, sự sai khiến, chèn ép cấp trên, vì phải luôn hạ mình xuống, cuối chào khách hàng, vì họ phải chấp nhận làm những công việc tầm thường, chấp nhận việc bưng bê, chấp nhận chào mời, chấp nhận lôi kéo khách hàng ở những quán ăn, thậm chí họ phải chấp nhận đi quét dọn, đi chùi rửa nhà vệ sinh nơi công sở,… chấp nhận nhiều thứ, hy sinh nhiều thứ để được đánh đổi những đồng tiền TIPS – đồng tiền cho them, được trao tặng những người khách đáng tuổi con, tuổi cháu mình,… trong những buổi trưa hè nóng bỏng, những trận mưa dầm hay trong những ngày đông giá rét.
Cũng như con em của mình bây giờ, trước đây họ từng được cha mẹ khuyến khích, an ủi, động viên nên đã chấp nhận đi làm những công việc đơn giản nhằm kiếm tiền đóng bảo hiểm xe với mức lương tối thiểu hồi năm 1982 là $4 đồng mỗi giờ. Công việc tầm thường như thế dần đã biến họ cũng trở nên những con người tầm thường, rồi họ kết hôn, sinh con cái và họ đành chấp nhận làm “công việc tạm thời” đó toàn thời gian để rồi những công việc đó đã đeo bám, gắn kết suốt cuộc đời họ cho đến khi tuổi già xế bóng với mức lương tối thiểu của năm 2015 hiện nay là $7.25 đồng. Như vậy, so với mức lương tối thiểu năm 1982, lương của họ chỉ lên được $3.25 đồng cho mỗi giờ làm việc. Hơn ba mươi năm lao động cần mẫn, ba mươi năm làm việc hy sinh vất vả lo lắng cho gia đình, ba mươi năm tràn trề chua với xót kể từ ngày đặt chân qua đất Mỹ. Họ đã chấp nhận sống xa gia đình để đi làm thêm, chấp nhận từ bỏ ước mơ học hành, chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân, chấp nhận mong ước được làm đúng công việc mà mình yêu thích,… công việc hoàn cảnh, số phận đẩy đưa, sự lựa chọn quyết định năm nào đã và đang khiến họ chấp nhận một kiếp làm thuê, kiếp sống tầm thường, kiếp sống hèn mọn gần cả đời người. Vậy với số tiền lương tăng lên chỉ có $3.25 đồng so với thời điểm hồi ba mươi ba năm trước thì liệu có đáng để những người làm cha, làm mẹ như chúng ta vẫn bắt chước theo con đường của cha ông, vẫn khuyến khích con mình đi làm thêm kiếm tiền, vẫn khuyến khích con mình bỏ bớt thời gian đến trường để đi làm kiếm tiền dành dụm,… để rồi con cái mình phải khổ sở bước theo con đường đó, chấp nhận làm những công việc hèn mọn, cỏn con đó sao. Như vậy, thì liệu rằng việc hy sinh thời gian học hành của con cái chúng ta cũng chỉ với mục đích cho con đi làm chủ yếu để có kinh nghiệm là đúng sao?
Còn nhớ câu chuyện của hơn 2,000 năm trước, mẹ của Mạnh Tử - Nhà triết học Nho giáo hàng đầu Trung Quốc - đã phải chuyển nơi ở từ nghĩa trang đến nơi khác vì không muốn thấy con mình bắt chước người ta đào, chôn, lăn khóc với cuộc sống ma chay, chôn cất người chết. Nhưng khi đến chợ, bà cũng thấy con mình lại chơi trò buôn bán, giả dối, lừa đảo nên đã mau chóng chuyển nhà đến cạnh trường học. Từ đó, Mạnh Tử đã biết học tập, lễ phép vâng lời, đọc sách thánh hiền. Bà mới yên lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở được đây”. Sau này, ông trở thành “Á Thánh Mạnh Tử”, chỉ đứng sau Khổng Tử - ông tổ Nho giáo Trung Quốc. Câu chuyện này hàm ý cho chúng ta thấy rằng nếu thực sự vì mục đích cho con cái đi làm thêm để có kinh nghiệm thì chúng ta cần phải quan tâm, ông chủ hãng, xưởng đã dạy được gì cho con em mình để chúng có thể áp dụng sau này. Và chỗ làm tốt nhất cho con cái chúng ta chính là những nơi gắn liền với việc học của chúng, như bệnh viện, trường học hay văn phòng luật sư,… tùy theo từng ngành nghề, lĩnh vực mà con cái chúng ta đang theo học,… Những nơi đó có thể có lương hoặc lương rất thấp, thậm chí không trả lương nhưng cái chính chúng ta cần biết là nơi đó đã truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm gì cho con em mình và mất hết thời gian bao lâu, kế đến mới là vấn đề tiền lương. Sau cùng, hãy để cho chúng sớm gặp được những người thành công, có thể học hỏi được những kiến thức, kinh nghiệm hay từ những người thành công đó để trở thành người có giá trị trên thị trường. Đừng ngần ngại về bản thân hay mặc cảm về hoàn cảnh gia đình mà chúng ta bỏ qua cơ hội để con trẻ sớm gặp gỡ những người thành công. Họ luôn sẵn sàng dành ra vài phút để trò chuyện, vài phút để chia sẻ câu chuyện thành công hay một vài phút để cho chúng ta những lời khuyên bổ ích cũng như giúp đỡ con cái chúng ta định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn đi học.,,, Những người thành công đang ở đâu? Đó chính là hình ảnh những vị bác sĩ gia đình, hình ảnh những người thầy giáo, hình ảnh các nhà quản lý, các chuyên gia kỹ thuật tại sở làm, các vị doanh nhân, các nhà hoạt động chính trị hay các chuyên gia trong lĩnh vực thể thao, âm nhạc, hội họa và đặc biệt là những vị luật sư danh tiếng,…. Tất cả bọn họ đều mong muốn chúng ta hãy tiến bước theo con đường của minh, con đường mà họ đã từng trải, con đường dẫu có lắm chông gai, con đường đầy trái đắng nhưng quả ngọt đầu mùa, báo hiệu một mùa bội thu đã, đang và luôn đến với họ - những con người thành công trên cõi đời này,… Hãy mạnh dạn tiến lên một bước, đi nhanh hơn một bước, hãy tiến lên để sớm gặp gỡ, tiến lên để trò chuyện cùng những người thành công, tiến lên để dẫn dắt con em mình sớm trở thành người có giá trị trên thị trường. Như trường hợp ca sĩ người Anh - Sam Smith – người vừa đạt 4 giải thưởng Grammy về âm nhạc năm 2015 vừa qua. Lần đầu tiên khi nghe con trẻ hát, cha mẹ anh đã tin rằng có một điều gì đó rất đặc biệt ở con trai mình. Họ đã nhanh chóng tìm cho anh một gia sư âm nhạc để kèm riêng và điều đặc biệt khi nghe anh nói rằng một ngày nào đó sẽ trở thành ca sĩ nổi tiếng. Họ chẳng những không không cười nhạo anh, chế giễu anh mà còn không ngừng động viên, luôn khuyến khích để anh trở thành người có giá trị trên thị trường.
Ngoài việc đi làm thêm kiếm tiền đóng bảo hiểm hay đi làm cho có kinh nghiệm, cũng đôi khi, con cái tự tìm đến và xin chúng ta cho chúng đi làm thêm ở các cửa hàng, hãng xưởng như các bạn bè đồng trang lứa để tự trang bị những kiến thức, trang bị những kỹ năng để xem thử bản thân chúng có phù hợp với ngành nghề mà mình lựa chọn hay không và cách chúng ta nhanh có việc làm nhất chính là phải gặp người quản lý ở chỗ làm càng sớm càng tốt.
Như hồi lúc còn học ở những năm cuối cấp 3, sống xa gia đình nên tôi phải tự học và tự đi kiếm việc làm thêm, từng nộp hồ sơ nhiều nơi, gõ cửa nhiều chỗ, có lúc đi bộ vài chục dặm để đến chỗ làm coi người ta có kêu mình đi làm không vì thời đó đa số các gia đình chưa có điện thoại, di động thì lại càng hiếm hoi, không phổ biến như bây giờ nên các sở làm thường gọi đến chốt điện thoại công cộng gần nơi ở của người xin việc để kêu đi phỏng vấn. Tháng qua tháng, ngày qua ngày, tôi cứ chờ đợi công việc một cách vô vọng, thậm chí có lúc tự nhủ rằng chỉ cần nơi nào đó kêu cho 3 bữa ăn thôi là đủ, đi làm không lương cũng được. Rồi cho đến một hôm dù chẳng được ai hẹn hay hướng dẫn, chỉ bảo mình, tôi đã lạc bước đến chỗ làm nọ và sau khi chào xã giao cô thư ký, tôi nghĩ ra một ý tưởng và mạnh dạn nói với cô ta: “Tôi đến gặp ông quản lý để đi làm”. “Vậy sao?”, cô thư ký nói, tỏ vẻ hoài nghi nhưng vẫn chạy đi gọi người quản lý đến.
Hơi chút nóng người dù khí hậu bên ngoài vẫn mát mẻ, trái tim tôi lúc đó đập mạnh liên hồi vì thật sự chẳng có cuộc hẹn gặp nào cả, tôi phải nói sao với người quản lý đây. Những đáp án cho câu hỏi “Tại sao tôi phải mướn anh”, “Anh có được những kiến thức, kinh nghiệm gì để mang đến thu nhập cho chỗ làm?”,… liên tục được tôi nghĩ đến nhằm đối phó với cuộc phỏng vấn của người quản lý, ngay cả phương án năn nỉ xin việc cũng được tính đến vì thật sự lúc đó tôi đang rất cần việc làm.
“Anh cần gì”, câu hỏi đầu tiên của người quản lý dành cho tôi đã bắt đầu sau màn chào hỏi thông thường. “Má tôi bảo tôi đến gặp ông để đi làm”. Lời nói dối lại tiếp tục một cách tự tin vì thời điểm đó, tôi sống xa gia đình, không có số điện thoại nhà để sở làm gọi về xác minh và thực sự lúc đó mẹ tôi đang ở Việt Nam, người quản lý lại tiếp tục hỏi “Anh đã nộp hồ sơ chưa?”, không khó để trả lời cho câu hỏi này vì tôi đã nộp hồ sơ từ lâu. Sau khi bảo cô thư ký lấy hồ sơ của tôi đến để xem xét thì người quản lý quyết định nhận tôi vào làm. Một sự may mắn nhẹ bởi sự khao khát có việc làm, một ước muốn đi làm them để trang trải cuộc sống, một sự quyết tâm cao độ đã giúp tôi dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn xin việc, chính thức đi làm kể từ ngày hôm đó, mặc dù cho đến hôm nay, mẹ tôi vẫn chưa một lần ở bên cạnh kể từ lúc tôi đặt chân lên đất Mỹ. Làm việc ổn định cho đến hơn một năm sau đó, tôi đã có một quyết định táo bạo cho đến bây giờ vẫn cảm thấy là đúng nhất trong đời. Đó là xin nghỉ việc để chuyển vào ký túc xá trường học, để được sống gần trường học, để học hỏi từ những người thành công, để trao đổi kinh nghiệm, để được học hành đầy đủ, để trở thành con người có giá trị trên thị trường như ngày hôm nay.
Ngoài việc đi làm thêm kiếm đóng bảo hiểm xe, đi làm cho có kinh nghiệm, đi làm để kiếm tiền nhiều hơn việc đến trường đi học thì cũng có trường hợp con em chúng ta sẽ sớm trở nên an phận với cuộc sống tầm thường, đi làm đều đặn mỗi ngày để chờ đến cuối tuần được lãnh lương, cuối tuần đi nghỉ mát chứ không bao giờ có ý chí phấn đấu học hành để trở thành người thành công, không bao giờ trở nên con người có giá trị trên thị trường được. Nên nhớ rằng bản thân chúng ta cũng như con cái mình khi đi làm được ông chủ trả lương bao nhiêu tiền một giờ có nghĩa là với trình độ đó, kinh nghiệm và kiến thức đó đã và đang được xã hội nhìn nhận với mức lương như thế. Một mức lương hoàn toàn bình thường, không có điều gì khác biệt giữa những người làm chung công việc đó. Sự khác biệt chỉ thể hiện ở chổ một con người có kiến thức, trình độ như bác sĩ, luật sư, nhà doanh nghiệp,… thông thường sẽ kiếm được $20,000 mỗi tháng, còn một anh phụ bàn, rửa chén, làm những công việc đơn giản thì số tiền $20,000 đó phải hết hơn một năm lao động vất vả mới kiếm được, có trường hợp của một vị bác sĩ mà tôi biết, một năm tiền lương của anh ta khoảng $250,000 đồng thì chúng ta hãy tính xem những người đi làm thêm, những người làm công tại các cửa hàng, hãng xưởng phải mất hết bao nhiêu năm mới kiếm được số tiền mà vị bác sĩ đó làm được trong 1 năm.