Liên bang
Phiền nhiễu trong cuộc sống
17/02/2015 12:36
Sự quấy nhiễu là gì?
Kẻ quấy nhiễu luôn cố kiểm soát nạn nhân của mình thông qua hành vi hoặc những lời hăm dọa có chủ ý nhằm đe dọa và làm người khác sợ hãi. Một kẻ quấy nhiễu có thể là một người không quen biết, một người quen hoặc một đối tác có quan hệ mật thiết trước đây. Trạng thái tinh thần của kẻ quấy nhiễu có thể dao động từ tình yêu quá mức đến hận thù ám ảnh. Kẻ quấy nhiễu có thể lúc ẩn lúc hiện đi theo nạn nhân trong nhiều ngày, nhiều tuần, hoặc thậm chí nhiều năm. Nạn nhân của sự quấy nhiễu luôn lo sợ sự tổn thương thân thể hoặc tử vong sẽ xảy đến cho bản thân mình hoặc các thành viên trong gia đình hoặc lo sợ bị thiệt hại tài sản. Sự quấy nhiễu có thể do kẻ cố ý quấy nhiễu hoặc một kẻ nào đó thay mặt hắn ta thực hiện. Quấy nhiễu có thể mang hình thức của những lời hăm dọa bằng lời nói hoặc các mối đe dọa do hành vi của kẻ quấy nhiễu tạo ra, thư đe dọa, gây thiệt hại về mặt tài sản, theo dõi nạn nhân, hoặc đi theo nạn nhân.
Làm thế nào để biết nếu bản thân đang bị quấy nhiễu?
Kẻ quấy nhiễu sẽ hơn một lần thực hiện các hành động sau:
1. Đi theo nạn nhân hoặc thành viên trong gia đình của nạn nhân;
2. Phá hoại tài sản của nạn nhân;
3. Gây thiệt hại đến tài sản - có thể là phá hư xe, làm tổn hại đến một con vật nuôi hoặc phá vỡ các cửa sổ nhà nạn nhân;
4. Thực hiện cuộc gọi hăm dọa hoặc gửi email đe dọa, hoặc
5. Lái xe hoặc đỗ xe gần nhà, văn phòng của nạn nhân, và những nơi khác quen thuộc với nạn nhân.
Sự quấy nhiễu được chứng minh như thế nào?
1. Mục đích của kẻ quấy nhiễu: kẻ quấy nhiễu có mục đích hoặc biết rõ rằng hành động của mình sẽ làm cho nạn nhân hoặc các thành viên trong gia đình nạn nhân luôn cảm thấy cái chết hoặc sự tổn thương ám ảnh. Các mối đe dọa có thể rõ ràng (ví dụ như nói rằng hắn ta sẽ giết nạn nhân) hay ngụ ý (ví dụ như những lời hăm dọa úp mở, gây tổn thương cho các con vật cưng trong gia đình). Các mối đe dọa hẳn phải nhằm vào một người cụ thể, đó không thể là mối đe dọa chung chung. Sự đe dọa có thể do kẻ quấy nhiễu hoặc một kẻ nào đó thay mặt hắn ta thực hiện.
2. Hành động của kẻ quấy nhiễu: hành động xảy ra nhiều hơn một lần và hướng vào nạn nhân và / hoặc thành viên trong gia đình của nạn nhân. Chỉ cần một báo cáo của cảnh sát là đủ. Các hành vi có thể bao gồm đe dọa qua email hoặc qua điện thoại, hoặc làm hư hỏng tài sản của nạn nhân.
Nếu bạn đang bị quấy nhiễu...
HÃY THÔNG BÁO CHO CƠ QUAN THI HÀNH PHÁP LUẬT ĐỊA PHƯƠNG VÀ VĂN PHÒNG CÔNG TỐ VIÊN.
Nên báo cảnh sát tất cả các vụ quấy nhiễu.Yêu cầu mỗi vụ quấy nhiễu đều được lập thành văn bản. Yêu cầu cơ quan thực thi pháp luật địa phương của bạn cung cấp một bản sao của báo cáo. Cung cấp cho cảnh sát bất kỳ thư từ bằng văn bản và báo cáo bất kỳ sự đe dọa nào qua điện thoại. Ghi ngày tháng nhận được trên tất cả các thư từ kẻ quấy nhiễu. Nắm rõ tên của cơ quan thi hành pháp luật trong từng vụ việc.
GHI NHẬT KÝ. Lấy thông tin về tên và địa chỉ của người làm chứng. Hồ sơ đầy đủ là rất cần thiết để truy tố thành công trong các trường hợp quấy nhiễu. Mô tả mỗi sự cố bằng cách viết ra giấy.
XIN LỆNH BẢO VỆ (Protective Order): Nếu bạn có liên quan với kẻ quấy nhiễu về mặt huyết thống hoặc hôn nhân, nếu bạn và kẻ đó đã từng sống chung với nhau, hoặc có con chung. Để có được lệnh bảo hộ toàn diện hãy gọi 800-777-3247. Dịch vụ này sẽ giúp bạn có được một lệnh bảo hộ cấm kẻ quấy nhiễu xuất hiện ở một số khu vực gần nhà, văn phòng của bạn, hoặc trường học của con bạn. Bạn cũng có thể tham khảo Dịch vụ Bảo vệ chống Bạo hành trong Gia đình.
Ghi chép lại các cuộc gọi điện thoại. Yêu cầu kẻ quấy nhiễu đừng gọi điện thoại tới nữa và cúp máy. Sàng lọc các cuộc gọi đến. Ghi lại thời gian và ngày tháng các cuộc gọi quấy nhiễu. Giữ các thông tin ghi chép lại và cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật.
CHỤP ẢNH KẺ RÌNH RẬP. Chụp ảnh kẻ quấy nhiễu nếu bạn có thể thực hiện việc đó an toàn và ghi thời gian, ngày tháng, và địa điểm trên mặt sau của mỗi bức ảnh.
GIỮ TẤT CẢ CÁC THƯ TÍN. Copy tất cả những gì bạn nhận được từ kẻ quấy nhiễu. Hạn chế cầm các lá thư để duy trì dấu vân tay.
BÁO CHO MỌI NGƯỜI BIẾT. Mô tả kẻ quấy nhiễu cho bạn bè, đồng nghiệp, và hàng xóm biết. Yêu cầu họ ghi chép lại mỗi lần nhìn thấy kẻ quấy nhiễu.
Các biện pháp an toàn quan trọng
Hãy luôn cảnh giác và thận trọng với môi trường, con người và những điều xảy ra xung quanh bạn. Hãy thay đổi tuyến đường lái xe khi bạn về nhà và đi làm. Hãy ĐẬU XE AN TOÀN và trong khu vực có ánh sáng tốt. Nhờ một ai đó đưa bạn ra xe. LƯU Ý NHỮNG CHIẾC XE ĐI THEO. Nếu bị bám đuôi hãy lái xe đến trạm cảnh sát, sở cứu hỏa, hoặc trung tâm mua sắm đông đúc nào đó và nhấn còi để thu hút sự chú ý. Tại nơi làm việc, bạn có thể thong báo với Management hoặc nhân viên Security, cung cấp hình ảnh và mô tả về kẻ quấy nhiễu.
Bạn cũng có thể Nhờ cảnh sát TIẾN HÀNH KIỂM TRA AN NINH nhà bạn để đảm bảo nhà của bạn được khóa một cách an toàn. Đảm bảo tất cả cửa ra vào và cửa sổ trong nhà và xe của bạn đều phải an toàn. ĐỪNG BỎ QUA BẤT KỲ MỘT SỰ HĂM DỌA NÀO, dù là qua thư từ hoặc bằng lời nói. Hãy gọi cho cảnh sát và lưu lại bất kỳ tài liệu nào.
Hãy DUY TRÌ SỰ RIÊNG TƯ, đừng bao giờ đưa ra thông tin cá nhân cho bất kỳ ai nếu như những thông tin đó có thể bị nghe lén. Loại bỏ số điện thoại và số an sinh xã hội khỏi các vật dụng càng tốt. Hãy dự tình một kế hoạch an toàn cho bản thân và các thành viên gia đình trong trường hợp khẩn cấp. Chọn một nơi an toàn để gặp gỡ và một người nào đó để gọi nếu xảy ra sự cố.
1. Một vụ án - hai quan niệm xử lý
Vụ án xảy ra tại Mỹ: Cảnh sát Williams nhìn thấy Peter Jones giật ví tiền của cô Virginia Spry và bỏ chạy. Cảnh sát Williams đã đuổi theo, bắt được Jones và tiến hành tra hỏi về vụ cướp. Jones thú nhận ngay hành vi phạm tội của mình và với sự chứng thực của viên cảnh sát Williams, chúng ta có thể khẳng định là Jones đã phạm tội. Nếu đối chiếu với pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, tình huống này có thể dẫn tới việc buộc tội và kết án một cách nhanh chóng và dứt khoát đối Peter Jones. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự Mỹ lại nhấn mạnh cách thức mà các nhân viên nhà nước (ở đây là viên cảnh sát Williams) sử dụng quyền lực được nhà nước giao cho mình để can thiệp vào cuộc sống của Peter Jones. Hành vi của viên cảnh sát sẽ được rà soát lại để xem xét tính hợp pháp. Ví như, nếu xác định được rằng, Jones thú tội mà không được nhắc nhở trước về "quyền được im lặng”[1] của anh ta thì lời thú tội này sẽ không được sử dụng để chống lại chính anh ta. Mà khi lời thú tội với tư cách là một bằng chứng đã không có giá trị, thì vụ án xét xử Jones sẽ không thể buộc tội được anh ta hoặc bị bác bỏ. Theo pháp luật Mỹ, Jones không "phạm tội về mặt pháp lý" đối với tội cướp ví tiền, vì pháp luật bảo vệ quyền được im lặng của anh ta và như vậy, pháp luật bảo vệ tính hợp nhất của quá trình tố tụng không được đưa vào áp dụng. Việc phạm tội thực tế có thể là hiển nhiên hay được phát hiện một cách hợp pháp, nhưng việc phạm tội về mặt pháp lý lại được xác định thông qua quá trình như đã mô tả.
Quy trình tố tụng hình sự của Hoa Kỳ trong vụ án Peter Jones nói trên đã làm không ít người ngạc nhiên, bởi vì, một thực tế hiển nhiên là cảnh sát Williams đã "bắt tận tay day tận trán" đối với hành vi giật ví tiền của Peter Jones, nhưng khi đưa ra xét xử thì toà án tuyên bố vô tội đối với Peter Jones chỉ vì lý do cảnh sát đã không thông báo quyền được im lặng cho Jones.
Như vậy, nảy sinh một vấn đề tranh luận trong pháp luật tố tụng hình sự trên thế giới: một mặt muốn nhấn mạnh việc trừng trị tội phạm (kiểm soát tội phạm), một mặt muốn điều chỉnh hành vi của các nhân viên thừa hành pháp luật và đảm bảo các quyền công dân. Thực ra, vấn đề tranh luận này xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là sự cạnh tranh giữa những giá trị của của hai mô hình: Mô hình tố tụng hình sự kiểm soát tội phạm và Mô hình tố tụng hình sự công bằng.
Sự thực là hệ thống tố tụng hình sự nào cũng gặp phải một mâu thuẫn hay một sức ép giữa một bên là những yêu cầu về giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các vụ án hình sự để đảm bảo sự ngăn ngừa các hành vi phạm tội, với một bên là việc đảm bảo tính công bằng để bảo vệ các quyền lợi của công dân (khi người này bị tình nghi là phạm tội). Bởi rằng, nếu chúng ta kích hoạt các yếu tố nhấn mạnh sự ngăn ngừa tội phạm thì vô hình trung, hay một tất yếu xảy ra là những "rào chắn" bảo vệ quyền lợi của công dân sẽ bị xâm hại; và ngược lại. Trên lý thuyết, có thể phân biệt hai mô hình tố tụng hình sự đặc trưng nêu trên, vì dù các quốc gia thường áp dụng mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hai mô hình này, nhưng họ lại cũng thường "ưu tiên" áp dụng một mô hình nhất định trong hai mô hình đó.
2. Hai mô hình tố tụng hình sự đặc trưng
2.1. Mô hình tố tụng hình sự kiểm soát tội phạm
Hệ thống giá trị của mô hình này kết luận rằng, việc trấn áp các hành vi phạm tội là chức năng quan trọng nhất của tố tụng hình sự. Tính tối cao của chức năng này là cần thiết để đảm bảo tự do cho mọi người và để các công dân được an toàn về thân thể và tài sản. Tố tụng hình sự đảm bảo mục tiêu này bằng các hoạt động có hiệu quả nhằm sàng lọc những người bị tình nghi, xác định tội phạm và áp dụng các chế tài thích hợp đối với những người đã bị buộc tội.
Để được coi là hiệu quả, mô hình kiểm soát tội phạm này cần hoạt động tố tụng được tiến hành nhanh chóng, dứt khoát và có tỷ lệ buộc tội cao. Có thể so sánh mô hình này với một dây chuyền lắp ráp có một hệ thống băng chuyền chở các vụ kiện chuyển động không ngừng và có các công nhân là những người bảo vệ pháp luật trực tại các chốt, thực hiện các thao tác cụ thể để hướng các vụ kiện này đi tới kết quả cuối cùng. Tốc độ chuyển động của băng chuyền phải ở mức độ cao vì không có thủ tục nào mang tính hình thức làm cản trở hoạt động tố tụng và làm chậm quá trình chuyển động tới đích của các vụ kiện. Tốc độ xử lý trong mô hình này cũng cao vì các vụ kiện được xử lý theo các cách thức mang tính khuôn mẫu và trùng lặp. Theo cách hiểu này, mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm có thể được mô tả một cách thích hợp là một mô hình mang tính hành chính, hay gần như vậy.
Việc nhấn mạnh tính dứt khoát đồng nghĩa với việc giảm thiểu các cơ hội cho những thách thức đối với tố tụng và kết quả của tố tụng. Sử dụng phép ẩn dụ trên, chúng ta có thể chỉ ra những vấn đề có thể nảy sinh khi các công nhân của dây chuyền lắp ráp cần phải được đặt dưới sự kiểm soát của các giám thị. Hậu quả làm ngắt quãng dây chuyền sản xuất đã là tồi tệ, nhưng ta cứ thử hình dung hậu quả đối với "tính dứt khoát" sẽ còn tối tệ đến mức nào, nếu một sản phẩm đã được kết thúc cách đây vài tuần, thậm chí vài tháng lại bị trả lại cho những người công nhân của dây chuyền. Tất nhiên phép ẩn dụ ở đây chỉ là một cách nói. Một quy trình tố tụng hình sự hiệu quả nghĩa là khi vụ án được chuyển giai đoạn từ người bị hại, nhân chứng tới cảnh sát, tới công tố viên, thẩm phán thì mỗi một "công nhân" đều phải thực hiện công việc của mình một cách nhanh chóng mà không sợ bị phản bác về sau này.
Một kết thúc thành công trong mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm là một người bị bắt, nhưng không phạm tội, phải được giải thoát ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng, trong khi những người khác phải bị buộc tội một cách nhanh chóng và chắc chắn. Thực tế, mô hình này đã sử dụng quan niệm "suy đoán có tội" để mô tả xu hướng những người không được thả vì không chắc chắn là không phạm tội. Nguyên lý suy đoán phạm tội là cần thiết cho mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm vì nó cho phép hệ thống này xử lý một cách có hiệu quả một số lượng lớn các vụ án. Mô hình này thể hiện sự tin tưởng vào quá trình sàng lọc của cảnh sát và công tố viên khi họ quyết định thả những người bị tình nghi nhưng "hình như vô tội" và duy trì các hoạt động chống lại những người "hình như có tội". Nghĩa là, sau khi đã có đủ bằng chứng buộc tội để có thể tiến hành các hoạt động tiếp theo, tất cả các hành vi tiếp theo đó cần phải nhắm thẳng vào người bị tình nghi với quan niệm rằng, họ chính là những người phạm tội.
Một điều cần đề cập trong phần phân tích về mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm là quá trình điều tra ban đầu của một vụ án là cực kỳ quan trọng. Các giai đoạn tố tụng tiếp theo cần phải được thực hiện hết sức ngắn gọn, đơn giản thì mới bảo đảm được tính nhanh chóng và dứt khoát của mô hình này.
2.2. Mô hình tố tụng hình sự công bằng
Nếu mô hình tố tụng công bằng được đưa vào thay thế cho dây chuyền lắp ráp được vận hành bằng mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm, thì một trong những thay đổi đầu tiên có thể sẽ là sự gia tăng về số lượng và mức độ thường xuyên của các hành vi kiểm tra chất lượng trên dây chuyền. Sự nhanh chóng và dứt khoát vốn được coi là mục tiêu của mô hình kiểm soát tội phạm, thì trong mô hình tố tụng công bằng, chúng lại bị xem như sự lạm dụng quyền lực nhà nước, vì mô hình tố tụng công bằng được xây dựng trên quan điểm tôn trọng các quyền cá nhân và hạn chế quyền lực của các cơ quan và quan chức nhà nước. Mô hình tố tụng công bằng nhấn mạnh một quy trình tìm kiếm bằng chứng nặng tính hình thức thông qua tranh tụng. Nếu cho rằng quy trình tranh tụng của mô hình này là chậm chạp và không dứt khoát thì cũng đúng: "Trước hết là vì hiệu quả trong việc đặt các cá nhân đối mặt một cách công bằng với quyền lực ghê gớm của nhà nước mà quá trình tố tụng trong mô hình này phải đặt dưới sự kiểm soát để tránh sự vận hành với năng suất tối đa".
Một trong những phương thức để thực thi những giá trị chống lại quyền lực quá lớn của nhà nước là học thuyết có tội về mặt pháp lý. Có tội về mặt pháp lý khác với có tội thực tế. Điều này có thể thấy qua ví dụ sau đây, mà từ ví dụ này, khái niệm “cảnh báo Miranda” xuất hiện.
Chiều ngày 3/3/1963, một cô gái mười tám tuổi bị bắt cóc và bị cưỡng hiếp tại Phoenix, bang Arizona, Hoa Kỳ. Mười ngày sau, cảnh sát đã bắt Ernesto Miranda tại nhà, áp giải tới đồn và đặt người này vào hàng những người đứng để được nhận dạng. Nạn nhân đã nhận ra Miranda ngay và tên này đã bị đưa vào phòng riêng để thẩm vấn. Sau hai giờ thẩm vấn, Miranda đã ký giấy thú tội là hắn đã bắt cô gái và hiếp cô ta. Tại phiên toà, luật sư của Miranda đã chỉ ra rằng, cảnh sát đã không thông báo cho Miranda biết về quyền được có luật sư và quyền của luật sư có mặt tại cuộc thẩm vấn (quy định này đã được xác lập bằng án lệ Escobedo kiện bang Illinois năm 1964). Miranda vẫn bị toà án sơ thẩm kết án, nhưng khi xét xử phúc thẩm, Toà án tối cao liên bang đã huỷ bản án sơ thẩm, bởi vì bị cáo đã thú nhận với cảnh sát mà không được báo trước rằng, bị cáo có quyền được từ chối việc tự kết tội mình hay quyền được im lặng (không khai báo) "không ai phải tham gia vụ án hình sự với tư cách là người làm chứng để chống lại chính mình"[2] và quyền có luật sư đại diện. Toà án đã đưa ra các biện pháp tố tụng cần phải tuân thủ để những bằng chứng trong cuộc thẩm vấn được sử dụng chống lại chính bị cáo; đó là, nếu cảnh sát muốn thẩm vấn người bị buộc tội khi bắt giữ người đó thì bốn câu cảnh sát phải nói với người bị bắt giữ là: (1) Anh được quyền giữ im lặng; (2) Bất kỳ câu nói nào của anh có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh; (3) Anh có quyền trao đổi ý kiến với luật sư; (4) Nếu anh không mời luật sư thì một luật sư sẽ được cử để đại diện cho anh.
Các biện pháp này sau đó được gọi là "cảnh báo Miranda". Nói tóm lại, một người bị cảnh sát bắt giữ và thẩm vấn phải được thông báo về các quyền của mình trước khi bị thẩm vấn, thì những tuyên bố của cảnh sát chống lại anh ta mới có giá trị. Việc bắt giữ của cảnh sát ở đây được hiểu là hạn chế tự do của một người dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, nội dung trên có một ý nghĩa sâu xa hơn, khi một người phạm tội trên thực tế nhưng nếu anh ta không được điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy trình tố tụng thì về mặt pháp lý, anh ta có thể không bị buộc tội.
3. Nhận định về hai mô hình tố tụng hình sự
Mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm cho rằng, tự do quan trọng tới mức mọi hoạt động tố tụng đều phải hướng tới mục tiêu hạn chế tội phạm, trong khi mô hình tố tụng công bằng lại cho rằng, tự do quan trọng tới mức mọi hoạt động tố tụng đều cần phải đảm bảo rằng, các quyết định của toà án trong các vụ án hình sự phải được dựa trên những thông tin đáng tin cậy. Cả hai mô hình đều có mục tiêu là tự do xã hội. Một mô hình thì tìm cách đạt được mục tiêu đó bằng việc nhấn mạnh một thủ tục tố tụng hiệu quả đối với người vi phạm, trong khi mô hình kia thì nhấn mạnh việc hạn chế có hiệu quả sự can thiệp của nhà nước vào cuộc sống riêng tư của công dân. Vậy ai là người tạo ra mối đe doạ can thiệp vào tự do của công dân nhiều hơn? Mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm thì trả lời rằng, đó là tên tội phạm xâm hại cá nhân và tài sản của mọi người. Câu trả lời của mô hình tố tụng công bằng lại chỉ ra: đó chính là các nhân viên của nhà nước như cảnh sát và công tố viên. Cả những tên tội phạm và những viên cảnh sát hay công tố viên đều có thể xâm phạm tới quyền lợi của chúng ta, lấy đi tài sản và hạn chế sự tự do đi lại của chúng ta. Nhưng tự do xã hội cần phải được hiểu là mỗi công dân tuân thủ pháp luật phải được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô lý của cả hai đối tượng trên. Tuy nhiên, dường như không thể đạt tới hai mục tiêu trên cùng một lúc. Mỗi mô hình đều nhấn mạnh cái mà bên kia thiếu hụt, nhưng không thể vì thế mà có thể kết luận mô hình nào tốt hơn mô hình nào.
4. So sánh hai mô hình tố tụng hình sự
Có một xu hướng cho rằng, các giá trị của mô hình tố tụng công bằng đối lập với các giá trị của mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm. Nhận định này không đúng, vì nó cho rằng mô hình tố tụng công bằng không quan tâm tới việc hạn chế tội phạm. Thực ra, sự khác biệt có thể nhìn thấy rõ nhất lại chính là ở quy trình tố tụng chứ không phải ở kết quả tố tụng. Để làm rõ nhận định này, chúng ta hãy xem bảng so sánh giữa hai mô hình tố tụng và luận giải khái quát về sự so sánh này:
Mô hình kiểm soát tội phạm
Mô hình tố tụng công bằng
1.Cho rằng quyền tự do của công dân quan trọng tới mức, mọi cố gắng đều phải hướng tới việc hạn chế tội phạm
Cho rằng quyền tự do của công dân quan trọng tới mức, mọi cố gắng đều phải hướng tới việc đảm bảo sự can thiệp của chính quyền vào quyền này phải luôn tuân thủ pháp luật
2. Ra các quyết định dựa trên các tình tiết phạm tội thực tế
Ra các quyết định dựa trên nguyên lý phạm tội về mặt pháp lý
3. Tuân theo các quy tắc nhấn mạnh việc hạn chế tội phạm
Tuân theo quy tắc nhấn mạnh mức độ can thiệp của chính quyền vào đời sống công dân
4. Nhấn mạnh tính hiệu quả của các hoạt động tố tụng
Nhấn mạnh tính hợp pháp trong các hoạt động tố tụng
5. Yêu cầu có tỷ lệ buộc tội cao thông qua tố tụng xét hỏi và cho phép loại bỏ những người dường như không phạm tội ra khỏi quá trình tố tụng ngay từ đầu
Yêu cầu các hoạt động tố tụng phải mang tính chính thức, tìm kiếm bằng chứng thông qua tranh tụng, mặc dù những yêu cầu này có thể hạn chế hiệu quả tối đa của hoạt động tố tụng
Thứ nhất, mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm đặt nhiệm vụ quan trọng là phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những công dân luôn tuân thủ pháp luật tránh khỏi sự xâm phạm của những hành vi phạm tội; mô hình tố tụng công bằng lại đặt nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm các quyền của người bị tình nghi tránh tối đa sự xâm phạm từ phía cơ quan công quyền. Từ nội dung này, chúng ta không nên hiểu rằng, mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm để đạt được mục tiêu của mình thì phải tăng tỷ lệ buộc tội lên cao, còn mô hình tố tụng công bằng thì ngược lại. Thực ra, cả hai mô hình đều có mục đích cơ bản là tìm ra sự thật và mỗi mô hình đều hoạt động theo nguyên tắc người có tội phải bị trừng phạt, người vô tội phải được tự do. Điều khác biệt của hai mô hình trong nội dung này chỉ là sự nhấn mạnh hay thiên lệch về nhiệm vụ do từng mô hình đặt ra.
Thứ hai, để giải thích nội dung này, chúng ta quay trở lại vụ án Perter Jones đã nêu ở trên. Jones không phạm tội về mặt pháp lý theo mô hình tố tụng công bằng và phạm tội hiển nhiên theo mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm. Điều này dẫn đến một khác biệt là mô hình tố tụng công bằng quá quan tâm tới cách thức xử lý người bị tình nghi, mà đôi khi bỏ qua cả việc xác định liệu thực tế tội phạm có xảy ra không và liệu người bị tình nghi có thực sự là người phạm tội hay không, khi tính pháp lý của quy trình tố tụng không được đảm bảo; còn mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm chỉ cần xác định thực sự người tình nghi tiến hành hành vi phạm tội thì một bản án kết tội chắc chắn sẽ được tuyên cho người phạm tội.
Lưu ý, không phải mô hình tố tụng công bằng đã mở đường cho người phạm tội thoát tội trong một số trường hợp, mà thực chất ở đây, pháp luật hướng tới một mục tiêu lớn hơn là mọi công dân phải được xử lý theo một quy trình tố tụng đúng luật và công bằng (như nhau), đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thứ ba, một câu hỏi được đặt ra là: ai là người tạo ra mối đe doạ can thiệp vào quyền và lợi ích của công dân nhiều hơn - người phạm tội hay cơ quan công quyền? Mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm thì trả lời rằng, đó là tên tội phạm xâm hại cá nhân và tài sản của mọi người. Câu trả lời của mô hình tố tụng công bằng lại là: đó chính là các nhân viên của nhà nước như cảnh sát và công tố viên. Bởi vậy, hai mô hình đều xây dựng và tuân theo những quy tắc nhất định để hạn chế những sự xâm hại mà hai mô hình xác định.
Thứ tư, tính hiệu quả của mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm trong nội dung này không đồng nhất với tính chính xác, mà là việc quá trình tố tụng được tiến hành nhanh chóng, dứt khoát và có tỷ lệ buộc tội cao. Tính hợp pháp trong tố tụng hình sự của mô hình tố tụng công bằng chính là việc đảm bảo quy trình tố tụng phải được tiến hành đúng theo những trình tự pháp luật quy định và công bằng đối với mọi công dân;
Thứ năm, thực ra vấn đề này đề cập đến giai đoạn xét xử tại toà, mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm cho rằng, việc xác định ai có tội, ai không có tội gần như được định đoạt ngay sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, việc xét xử chỉ mang tính công khai hay tiếp tục quá trình điều tra, nên tỷ lệ buộc tội tại toà rất cao (những người dường như không phạm tội đã được loại bỏ từ giai đoạn điều tra). Trong khi đó, mô hình tố tụng công bằng cho rằng, vấn đề chỉ được quyết định tại toà án sau khi trải qua một quy trình tranh tụng công khai các bằng chứng và tranh luận giữa hai bên gỡ tội và buộc tội.
*
Trên đây là sự khác biệt giữa hai mô hình tố tụng, và sự khác biệt này dựa trên sự nhấn mạnh những yếu tố nhất định của quy trình tố tụng hình sự theo mục tiêu của từng mô hình đặt ra. Lưu ý, sự nhấn mạnh này không phải sự thiên lệch hoàn toàn, không phải bỏ rơi các yếu tố đối lập khác; mô hình tố tụng công bằng "ra các quyết định dựa trên nguyên lý phạm tội về mặt luật pháp" thì không phải không chú trọng đến việc "ra các quyết định dựa trên các tình tiết phạm tội thực tế". Sự nhấn mạnh ở đây cần được hiểu là nhằm đảm bảo mô hình tố tụng được vận hành một cách tốt nhất; giả dụ việc bảo đảm sự can thiệp của chính quyền vào các quyền của công dân theo đúng pháp luật là yếu tố không thể thiếu trong việc vận hành mô hình tố tụng công bằng. /.
Tố tụng hình sự
-
2016-07-11 17:56
Bộ luật hình sự
Bộ luật hình sự là hệ thống chế tài của chính phủ đối với người dân với mục đích là bảo vệ sự công bằng, hài hòa, và an ninh của xã hội. Nhắc đến chữ “hình” thì ai cũng biết đó là những “hình phạt” nhằm răn đe, giáo dục và trừng trị người vi phạm pháp luật. Con người chỉ đáng bị “trừng trị”...
Những Buổi Điều Trần và Ngày Xử Án.
13/02/2015 18:10
Có những trường hợp không được suông, bị oan ức, nạn nhân nhất định có một phiên tòa do bồi thẩm đoàn hay do một chánh án xử họ, trường hợp đó như thế nào?
Nhiều người nghĩ rằng họ bị oan thì họ không phải lo gì cả. Chính “cái oan” đó mới cần phải lo hơn người không bị oan gấp 10 lần để tìm cách giải oan và làm sáng tỏ sự vụ. Càng bị oan, càng phải tốn tiền thuê luật sư, thuê thám tử tư đi tìm các dữ kiện ngõ hầu sự oan ức của mình được minh chứng trước tòa án. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy có nhiều người sẵn sàng bán cả tiệm hoặc bán cả nhà để thuê thám tử tư và luật sư giúp đỡ cho họ.
A. Điều trần.
Việc đầu tiên luật sư làm là thu thập các dữ kiện, xem xét hồ sơ cảnh sát, của Viện Công tố và nếu thấy có những bằng chứng cảnh sát đưa ra không hợp lý, đương đơn phải làm lập hồ sơ để xin những buổi điều trần hủy bỏ tang chứng v.v. Nếu thấy rằng quan tòa có tính cách kỳ thị không có lợi cho thân chủ, luật sư làm đơn xin những buổi điều trần để quan tòa rút lui (Motion to Recuse the Judge) nhằm thay một chánh án khác, công bằng và khách quan hơn hoặc có thể xin dời phiên tòa sang một quận hạt khác để tránh sự kỳ thị. Nếu cảm thấy thân chủ không được bình thường (có người giám hộ hoặc có vấn đề về tâm thần, sức khỏe,...) thì luật sư phải làm đơn hoãn buổi điều trần cho thân chủ đi khám nghiệm và chữa trị tâm lý hoặc tâm thần v.v. Nếu thấy các nhân chứng có kết bè với nhau lập kế hãm hại thân chủ, luật sư phải làm đơn xin chất vấn những nhân chứng này trước khi phiên tòa diễn ra (thường thì công tố viện và tòa án không chấp thuận chuyện này). Và, còn nhiều đơn từ khác tùy theo hoàn cảnh của mỗi vụ án.
Luật sư có quyền hẹn đi (reset) hẹn lại nhiều buổi điều trần, nhưng, mỗi lần reset, thời gian không được quá 30 ngày. Vụ án phải được sắp xếp làm sao xử trong vòng 2 năm.
Song song, luật sư cần đi ra ngoài tìm thêm dữ kiện, nhất là các vật chứng và nhân chứng để giúp cho vụ kiện có nhiều kết quả hơn. Thí dụ, có một phụ nữ Việt Nam đi với một người con gái ở tuổi 15 hoặc 16 bước vào trong một shopping center. Hai mẹ con đi qua đi lại vài giờ đồng hồ, người con gái ăn cắp một đồ vật và bỏ vào trong xách tay, bị bắt quả tang. Các nhân viên trong tiệm hồ nghi người mẹ cũng ăn cắp, dầu không có máy quay phim quay được cảnh người mẹ này ăn cắp cái gì, các nhân viên toa rập với nhau nói rằng thấy người mẹ đó ăn cắp một đồ vật khác. Công tố viện tố cả 2 mẹ con. Người con ở tuổi dưới vị thành niên, được đưa qua tòa án gia đình, còn người mẹ thì bị tố ở tòa tiểu hình. Dầu rằng người mẹ không có ăn cắp, nhưng trong trường hợp này, những dữ kiện chung quanh (circumstantial evidence) rất bất lợi cho người mẹ, và người mẹ sẽ dễ dàng bị bồi thẩm đoàn kết án.
Người mẹ không nên ỷ y nghĩ rằng mình không có ăn cắp thì không cần làm gì hết, cứ đợi đến ngày ra tòa thì sẽ trả lời cho bồi thẩm đoàn. Người mẹ đó lầm lớn vì lời khai báo của bà ấy trước tòa không cân nặng bằng lời của các nhân viên trong tiệm, dữ kiện người con gái ăn cắp v.v., thì bồi thẩm đoàn có khuynh hướng tin vào lời chứng (dầu là chứng gian) của bên các nhân viên. Người mẹ nên thường xuyên gặp luật sư để cùng với luật sư xem các băng video trong tiệm, thuê luật sư đi điều tra và phỏng vấn các nhân viên trước khi có phiên tòa, nhờ luật sư tìm hiểu thêm trước đây có những vụ án nào tương tự hay không để có thể trình bày trước tòa án khuynh hướng kỳ thị của nhân viên muốn gài hoặc làm chứng gian để cho người mẹ bị khó khăn trước pháp luật v.v. Luật sư có thể làm đơn xin tòa án một buổi điều trần để tòa án ra lệnh, trong ngày phiên tòa diễn ra, công tố viện không được đưa dữ kiện người con gái bị kết án tại tòa gia đình vì cái án này của người con gái dễ gây cho bồi thẩm đoàn có ấn tượng không tốt cho người mẹ. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước, cứ thường, người mẹ sẽ bị tòa kết án.
B. Ngày xử án.
Phiên tòa xử án có thể được xử bởi chánh án hay bởi một bồi thẩm đoàn. Nếu bị can chọn để được xử bởi chánh án, thì chánh án vừa là người xét các sự kiện (fact finder) và vừa là người cầm cân nảy mực các vấn đề pháp lý (legal issues). Nếu thân chủ chọn để được xử bởi một bồi thẩm đoàn thì nhiệm vụ của chánh án chỉ là cầm cân nảy mực cho các vấn đề pháp lý, còn bàn luận và xét có tội hay có tội, tức là xét trên các sự kiện vụ việc, thì đó là nhiệm vụ của bồi thẩm đoàn. Nếu sau này có kháng án, thì chỉ được kháng án trên các vấn đề pháp lý, chớ không được kháng án trên vấn đề sự việc (fact) của vụ án do bồi thẩm đoàn quyết định. Trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư đại diện sẽ hội ý với thân chủ nên chọn để được xử bởi một chánh án hay bởi một bồi thẩm đoàn, sự lợi và sự hại của mỗi trường hợp ngõ hầu giúp cho thân chủ có quyết định đúng. Thêm vào đó, luật sư cũng cho thân chủ biết trong trường hợp xử bởi một bồi thẩm đoàn, nếu lỡ bị kết án, thân chủ có quyền để cho bồi thẩm đoàn ra án phạt cũng như có quyền để cho chánh án ra án phạt. Luật sư bàn cho thân chủ biết những lợi và hại của từng trường hợp để giúp cho thân chủ có một quyết định khôn ngoan hơn. Đa số các bị can đều chọn xử do một bồi thẩm đoàn và chọn để cho bồi thẩm đoàn ra án phạt. Nói như thế không có nghĩa là có những trường hợp nên để chánh án xử cũng như có những trường hợp nên để cho bồi thẩm đoàn xử, nhưng nên để cho chánh án quyết định mức phạt.
Để kết tội bị can, tiêu chuẩn của Luật Hình là các chứng cứ đã vượt qua khỏi sự nghi ngờ bình thường mà tiếng Anh gọi là ”beyond a reasonable doubt.” Tiêu chuẩn Luật Dân Sự đòi buộc các chứng cớ ở mức độ “preponderence of the evidence.” Tiêu chuẩn của Luật Hình rất cao, đòi buộc bồi thẩm đoàn phải bỏ phiếu 100% mới kết án được một người, trong khi đó, ở bên dân sự thì chỉ cần có 10/12 lá phiểu của bồi thẩm đoàn thì thắng vụ kiện rồi. Tòa đại hình có 12 người trong bồi thẩm đoàn thì phải có 12 lá phiếu mới kết án được, chỉ cần 1 người không đồng ý, thì tòa án phải hủy bỏ tội danh của người đó. Năm 1994, O.J. Simpson bị công tố viện của tiểu bang California tố tội giết cô vợ da trắng của ông ta, và bồi thẩm đoàn đã không đủ số phiếu 12/12 kết án O.J. Simpson. O.J. Simpson bị gia đình bên vợ đưa ra tòa dân sự, và vì tiêu chuẩn bên tòa dân sự thấp hơn, chỉ cần 10/12 phiếu của bồi thẩm đoàn, nên, tòa dân sự đã đi đến kết luận là O.J. Simpson đã giết vợ. Vì là tòa dân sự nên O.J. Simpson không bị phạt tù, chỉ bị phạt tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân, và số tiền đã lên tới hơn 10 triệu Mỹ Kim. Tòa tiểu hình có 6 người trong bồi thẩm đoàn thì phải có đủ 6 phiếu, nếu không, nghi can coi như vô tội, còn bên dân sự, chỉ cần có 5 phiếu của bồi thẩm đoàn thì thắng kiện.
Vì lý do trên, nên, đối với công tố viện và đối với luật sư bào chữa, chọn người vào trong bồi thẩm đoàn rất quan trọng. Đây là một trong những chiến thuật sinh tử của vụ án.
Ngay từ đầu của phiên tòa, có một số người dân được gọi lên để thi hành bổn phận công dân ngồi trong bồi thẩm đoàn. Những người này, chưa được chọn vào bồi thẩm đoàn, thì được gọi là những người có thể trở thành bồi thẩm viên (prospect jurors). Những người đi làm công việc này, nếu làm ở hãng, thì hãng vẫn phải trả lương cho họ trong những ngày họ thi hành công vụ này. Nếu họ là những người làm chủ các tiểu thương, thì họ bị thiệt thòi. Sự thiệt thòi đôi chút về vật chất không thể so sánh được với những điều lợi khi một người thi hành bổn phận công dân vì đây là một vinh dự. Nhiều người Việt Nam rất e ngại đi làm bồi thẩm viên vì đa số họ là những người làm chủ các cây xăng, tiệm giặt, tiệm làm đẹp móng tay, móng chân v.v., và nhất là họ ngại mất thời giờ cũng như ngại không hiểu rõ văn hóa và sinh ngữ. Tại Texas, người ta căn cứ theo bằng lái để gởi giấy mời làm bồi thẩm viên. Những ai không nói được tiếng Anh, già cả, nhiều bệnh tật, chưa có quốc tịch, luật sư đang hành nghề hoặc một vài trường hợp khác thì được miễn công việc này. Không có ở trong trường hợp được miễn mà trốn tránh không thi hành bổn phận làm bồi thẩm viên, có thể bị phạt tiền và phạt tù.
Trong phiên tòa đại hình, có từ 24 tới 48 prospect jurors để cho công tố viện và luật sư chọn. Phiên tòa tiểu hình thì có từ 12 đế 24 người. Công tố viện và luật sư có quyền gạch sổ một số người mà họ không ưa thích mà trong danh từ luật gọi là strike. Sau khi 2 bên đã gạch sổ xong, còn lại thì công tố viện và luật sư phỏng vấn từng người mà danh từ luật gọi là voir-dire (to see – to say = hỏi diện đối diện) và rồi điều đình với nhau để có một bồi thẩm đoàn khả dĩ chấp thuận được bởi cả hai bên. Những ai đã biết trước nội vụ của vụ án thì đương nhiên không được chọn vào bồi thẩm đoàn. Những ai tin rằng họ không có một sự phán đoán công bằng cho vụ án vì có khuynh hướng kỳ thị màu da, chủng tộc, phái tính, tôn giáo, cũng không được chọn vào bồi thẩm đoàn. Những người không được chọn vào bồi thẩm đoàn, họ có quyền ra về.
Sau khi chọn bồi thẩm đoàn là tới giai đoạn lời mở màn phiên tòa mà tiếng Anh gọi là Opening Statement. Công tố viện đọc lời cáo buộc bị can, trình bày sơ vụ án, và kêu gọi bồi thẩm đoàn hãy phán quyết mang lại công lý cho các nạn nhân. Bên luật sư bào chữa sẽ tìm cách nói rằng những lời cáo buộc đó không đủ bằng chứng, bị can bị oan, bị can là người tốt lành, v.v., và xin bồi thẩm đoàn hãy phán quyết mang lại công lý cho bị can.
Trước khi có phiên tòa hoặc trong khi phiên tòa diễn ra, công tố viện hoặc luật sư đưa ra những bằng chứng mà bên kia không chấp thuận, cho rằng không hợp pháp, thì công tố viện và luật sư phải làm đơn xin hủy bỏ bằng chứng đó mà danh từ luật gọi là Motion in limine (in limine là tiếng Latin, nghĩa là “ngay từ khởi đầu”) và bồi thẩm đoàn phải rút vào trong, không được nghe sự tranh luận này giữa luật sư và công tố viện trước mặt chánh án.
Viện Công tố là cơ quan buộc tội, nên phải kêu nhân chứng (witness) và đưa ra các bằng chứng trước để chứng minh cho điều họ buộc tội mà tiếng Anh gọi là “the burden of proof.” Sau mỗi lần chất vấn (question) một nhân chứng do công tố viện, luật sư bào chữa có quyền hỏi lại nhân chứng này mà tiếng Anh gọi là cross-examine để chứng minh cho bồi thẩm đoàn thấy:
1/ Lời chứng của người này không đáng tin cậy;
2/ Người này có thể có một âm mưu, đồng lõa hoặc che dấu cho một chuyện gì đó;
3/ Người ấy có thể bị mua chuộc hoặc bị hăm dọa nếu không chịu ra làm chứng, v.v.;
4/ Lời chứng của người ấy bị mâu thuẫn với các bằng chứng hoặc với những lời khai khi trước hoặc mâu thuẫn với những lời khai của các nhân chứng khác.
Đối với các bằng chứng, luật sư bào chữa sẽ tìm cách chứng minh bằng chứng đó lấy được không đúng với quy định của luật pháp, bằng chứng đó không được cất giữ đúng theo quy trình bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm cho bằng chứng đó có thể bị giả mạo v.v., hoặc có những bằng chứng khác hùng hồn hơn phản bác lại những bằng chứng này.
Sau khi công tố viện đã đưa ra hết các nhân chứng và bằng chứng của họ, đến phiên luật sư bào chữa đưa các nhân chứng và bằng chứng của bên bị can. Có thể luật sư bào chữa kêu chính bị can lên làm nhân chứng. Điều này có lợi và cũng có hại vì công tố viện sẽ khai thác tối đa để cho bị can trong lúc bối rối nói những lời sơ sẩy “lòi” đuôi hoặc vô tình “nhận tội.” Bởi vậy, các thân chủ phải thành thật với luật sư bào chữa, đừng dấu diếm, để luật sư tính toán kỹ lưỡng khi sử dụng chiến thuật này. Nên nhớ, theo luật pháp, luật sư bào chữa không được tiết lộ chuyện này cho người thứ ba nếu không có sự đồng ý của thân chủ. Luật sư bào chữa phải kín miệng giống y như một linh mục ngồi tòa để giải tội vậy. Đừng bao giờ biết mình phạm tội, vẫn khăng khăng nói dối với luật sư là mình bị oan, để rồi vì quá tin tưởng, luật sư kêu thân chủ ra làm chứng, lúc công tố viện hỏi lại một cách lắt léo, thân chủ hoảng hồn trả lời ló đuôi “gian” ra thì quả thật bất lợi cho thân chủ và làm giảm uy tín của luật sư bào chữa vô cùng. Mục đích của các nhân chứng hoặc bằng chứng là trình bày cho bồi thẩm đoàn thấy bị can không ở hiện trường, hoặc có ở hiện trường là vì lý do nào đó không liên can đến vụ án, bị can bị cảnh sát hay một tập đoàn gian ác nào đó gài bẫy vu oan để hại uy tín hay sự nghiệp của bị can, v.v. Công tố viện có quyền hỏi lại nhân chứng, hoặc xét xem các bằng chứng của bên bị can, cho đến khi nào họ không còn thắc mắc nữa thì thôi.
Trong khi phiên tòa diễn ra, nếu có những điểm gì không đồng thuận trên phương diện pháp lý, nhất là nếu thấy có một hành động sai trái nào đó của các thành viên trong bồi thẩm đòan, công tố viện hoặc luật sư bào chữa phải làm đơn xin tòa một buổi điều trần riêng biệt mà không có sự hiện diện của bồi thẩm đoàn để chánh án giải quyết sự dị biệt đó. Những dị biệt này rất quan trọng trong việc kháng án, trong việc xin một phiên tòa mới (new trial) hay trong việc tuyên bố một phiên tòa đã xử không đúng, phải xử lại mà tiếng Anh gọi là mistrial. Mistrial phải được tuyên bố trước khi bồi thẩm đoàn có quyết định bị can có tội hay không có tội (verdict). Còn new trial là sau khi bồi thẩm đoàn có nghị quyết luận tội (verdict) thì tòa án đang xử hay tòa án cao hơn phải coi lại (re-examine) việc xử án có đúng hay không để cho một phiên tòa mới coi như vụ án chưa hề từng xử vậy. Những bằng chứng mới được khám phá sau này cũng là một trong những yếu tố quan trọng để tòa quyết định cho một phiên tòa mới. Khi có mistrial hay new trial, thủ tục chọn bồi thẩm đoàn trở lại ngay từ lúc coi như chưa có vụ án, và những prospect jurors cũng như những người đã ngồi trong bồi thẩm đoàn ở trong phiên tòa kỳ này không được chọn vào bồi thẩm đoàn kỳ tới.
Trước khi bồi thẩm đoàn vào họp kín, luật sư bào chữa bắt đầu lời kết phiên tòa, tiếng Anh gọi là Closing Statement. Luật sư sẽ rút gọn lại các lời khai của các nhân chứng và các bằng chứng để trình bày sự oan trái của thân chủ mình hoặc nói rằng các chứng cứ của công tố viện không vượt qua khỏi mức độ beyond a reasonable doubt. Luật sư bào chữa khéo léo khai thác tình cảm của bồi thẩm đoàn phối hợp với các lời chứng và bằng chứng để bồi thẩm đoàn dễ dàng cảm thông với thân chủ ngõ hầu có những quyết định thuận lợi cho thân chủ. Công tố viện, trong phần Closing Statement, chắc chắn sẽ khai thác các sơ hở để kêu gọi bồi thẩm đoàn kết án bị can.
Từ lúc Opening Statement cho đến lúc Closing Statement, thời gian dài ngắn tùy theo sự phức tạp của vụ án, có vụ chỉ có 1 ngày, có vụ kéo dài cả năm trời. Cũng vậy, thời gian để cho bồi thẩm đoàn suy nghĩ và luận án cũng tùy theo sự phức tạp của mỗi vụ án. Sau khi công tố viện kết thúc Closing Statement, chánh án ra lệnh cho bồi thẩm đoàn về phòng riêng họp để luận án. Trong thời gian có phiên tòa, nếu chiều tối về nhà, các bồi thẩm viên không được bàn thảo vụ án với người khác. Trong thời gian luận án, các bồi thẩm viên không được về nhà, phải bàn luận cho đến khi nào bỏ phiếu xong mới thôi. Các bồi thẩm viên phải bầu chọn một người đại diện cho họ gọi là foreman. Người foreman có nhiệm vụ cho người giữ an ninh của tòa biết họ đã quyết định xong. Người giữ an ninh này thường là một cảnh sát của quận (deputy sheriff là danh xưng cho tòa tiểu bang và court marshall là danh xưng cho tòa Liên Bang), và người này phải lập tức báo cho chánh án ngay đó là bồi thẩm đoàn đã có quyết định. Sau đó, tòa tái nhóm, có cả công tố viện, bị can, luật sư bào chữa v.v., và người foreman sẽ đứng lên đọc cho mọi người nghe biết bản án của họ. Nếu có tội, họ sẽ nói 12/12 đã biểu quyết bị can có tội. Nếu không có tội, họ sẽ nói họ đã không đồng thuận được 12/12 để kết án bị can.
Nếu bồi thẩm đoàn không kết án được bị can, lập tức bị can được tự do. Nếu bồi thẩm đoàn kết án, thì tòa sẽ tiếp tục một phiên điều trần để xử phạt phạm nhân. Nếu trước khi có phiên tòa, luật sư bào chữa, với sự đồng thuận của thân chủ, đồng ý với công tố viện để cho chánh án xử phạt thì chánh án sẽ nghe buổi điều trần và cân nhắc nặng nhẹ để ra bản án. Nếu trước khi có phiên tòa, thân chủ quyết định để cho bồi thẩm đoàn định đoạt mức án, thì bồi thẩm đoàn tiếp tục bàn luận và ra mức án. Nhiều trường hợp tế nhị, bồi thẩm đoàn không quyết định được cách xử phạt, nhất là mức án tử hình, thì tự động tội nhân được hưởng án chung thân.
Quyền tư hữu súng
-
2016-07-12 18:04
Quyền sở hữu súng
Vì sao người Mỹ cần súng và Tu chính án thứ hai? Quyền tư hữu vũ khí của người dân Hoa Kỳ bấy lâu nay luôn là đề tài để các chính trị gia toàn thế giới, không chỉ ở Việt Nam, lấy ra làm ví dụ cho một dân tộc hung hăng và hiếu chiến. Sau vụ việc tại trường đại học cộng đồng Oregon, đã có 994 vụ...